Sỏi đường mật là căn bệnh phổ biến ảnh hướng lớn đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nếu sỏi đường mật không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề gây tử vong.
Sỏi đường mật là bệnh gì?
Tình trạng xuất hiện các viên sỏi (cấu thành bởi bilirubin) trong đường dẫn mật, túi mật, ống gan trái hoặc ống gan được gọi là sỏi đường mật. Nhiễm trùng do đường mật bị vi khuẩn tấn công được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sỏi đường mật.
Phân loại sỏi đường mật
Sỏi đường mật được phân loại theo vị trí và theo nguồn gốc, cụ thể như sau:
Phân loại theo vị trí
- Sỏi ống mật chủ (sỏi ở ống mật chủ, bên dưới ngã ba ống gan)
- Sỏi gan (sỏi bên trên ngã ba ống gan)
- Sỏi kết hợp (bao gồm sỏi gan và sỏi ống mật chủ)
Phân loại theo nguồn gốc
- Sỏi nguyên phát: Hình thành nguyên phát trong đường mật, xuất hiện ở ống gan hoặc ống mật chủ và chiếm đa số các trường hợp.
- Sỏi thứ phát: Chủ yếu là do sỏi từ túi mật rơi xuống đường dẫn mật.
Nguyên nhân gây sỏi đường mật
Hai nguyên nhân chính dẫn đến sỏi đường mật là do sự hiện diện của vi khuẩn trong dịch mật và ứ đọng tại mật.Việc bị ứ đọng mật có thể do gặp phải chấn thương, xơ hẹp Oddi, rối loạn vận động Oddi…hay do bẩm sinh mắc các bệnh Caroli, viêm đường mật xơ hoá, nang đường mật…
Yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến sỏi đường mật bao gồm:
- Địa lý, yếu tố chủng tộc: Tại Việt Nam đa phần là sỏi nguyên phát
- Chế độ ăn uống
- Giới tính: nữ giới bị sỏi nguyên phát nhiều hơn nam giới
Biểu hiện của sỏi đường mật
Khi bệnh nhân có sỏi đường mật sẽ có các thể lâm sàng sau đây:
- Không triệu chứng
- Cơn đau quặn mật
- Vàng da
- Viêm đường mật
- Viêm tuỵ cấp
- Thể phối hợp viêm đường mật – viêm tuỵ cấp
Gây bán tắc đường mật từng đợt là một triệu chứng của sỏi đường mật, các triệu chứng xuất hiện khi sự bán tắc này xảy ra và thoái lui khi đường mật tái thông thương. Nếu sự bán tắc kéo dài (hay chuyển sang tắc hoàn toàn) sẽ dẫn đến viêm đường mật.
Khi bị viêm đường mật nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng:
- Viêm mũ đường mật, viêm phúc mạc mật
- Chảy máu đường mật
- Hội chứng gan-thận
Biến chứng của sỏi đường mật
Sỏi đường mật nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Viêm đường mật, túi mật: có khả năng chuyển thành áp-xe rất khó điều trị. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh, viêm sẽ hết (khoảng 75% số bệnh nhân).
- Viêm tụy do sỏi: Ống tụy bị chặn lại bởi sỏi đường mật, dịch tụy bị ứ lại sẽ tiêu hóa luôn cả tuyến tụy gây viêm tụy cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm và cần điều trị kịp thời.
- Ung thư đường mật, túi mật: rất hiếm gặp nhưng cũng rất nguy hiểm. Ung thư thường phát triển trong thầm lặng đến khi phát hiện ra thì đã muộn.
- Tiểu xơ viêm đường mật: là căn bệnh hiếm gặp có nguyên nhân không rõ ràng.
- Tổn thương gan: sỏi đường mật trong gan rất dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng làm suy giảm chức năng gan như xơ gan, viêm gan, áp xe gan… cuối cùng dẫn đến suy gan.
Điều trị sỏi đường mật
Sỏi đường mật ngoài gan
Tình trạng này sẽ được chỉ định phẫu thuật là bắt buộc vì sỏi có thể làm tắc nghẽn cơ vòng Oddi, ống mật chủ, ống gan chung. Nếu sỏi có biến chứng sẽ mổ cấp cứu, còn sỏi không biến chứng sẽ mổ chương trình theo lịch.
Phương pháp áp dụng cụ thể:
- Điều trị sỏi mật bằng nội soi mật tụy ngược dòng ERCP
- Phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi (mổ hở hay mổ nội soi)
Sỏi đường mật trong gan
Điều trị được bác sĩ chỉ định chung khi mở ống mật chủ lấy sỏi đường mật ngoài gan hoặc khi người bệnh có triệu chứng nặng như đau nhiều hay sốt. Phương pháp lấy sỏi đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng ERCP được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Sỏi đường mật không quá nhiều, không quá lớn
- Sỏi đường mật chưa hay đã mở ống mật chủ lấy sỏi
- Sỏi đường mật kèm sỏi túi mật có chỉ định cắt túi mật nội soi.
Biện pháp phòng tránh bệnh sỏi đường mật
Để phòng tránh bệnh sỏi đường mật, cần lưu ý và tuân thủ những điều sau:
- Hạn chế chất béo bão hòa như thịt đỏ như thịt bò, xúc xích và thịt xông khói, các sản phẩm sữa nguyên chất, bơ và mỡ, thức ăn chiên rán,…
- Bổ sung nguồn chất béo tốt trong chế độ ăn như: Dầu ô liu, trái bơ, các loại hạt như: Bí ngô, hướng dương và hạt vừng, quả hạch, các loại hạt như quả óc chó và 1 số cá như cá hồi, cá ngừ
- Ăn nhiều chất xơ, hạn chế đường bột, đặc biệt là những loại quả ăn cả hạt như: quả mâm xôi, dâu tây, dâu tây, rau xanh , ngũ cốc…
- Uống nhiều nước, hạn chế rượu bia, đồ uống kích thích
- Tập thể dục thường xuyên
- Tránh giảm cân đột ngột
- Tránh bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa sáng